Cẩm nang khám phá Đền Hùng Phú Thọ - Di sản miền đất Tổ

, 18/05/2024(GMT+7)

Đền Hùng Phú Thọ được biết đến là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng nhất ở Việt Nam với hàng ngàn câu chuyện huyền thoại cùng những giá trị tinh thần vô cùng sâu sắc. Không chỉ vậy, nơi đây còn sở hữu hệ thống cảnh quan thiên nhiên vô cùng hùng vĩ và độc đáo, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách thập phương đến hành hương, vãn cảnh. 

Mục lục

Giới thiệu tổng quan về khu di tích Đền Hùng Phú Thọ

Khu di tích lịch sử Đền Hùng Phú Thọ ở đâu? 

Là một người con của đất nước Việt Nam tươi đẹp chắc hẳn không có ai là không biết đến Đền Hùng. Đền Hùng là tên gọi chung của Khu di tích lịch sử Đền Hùng và quần thể địa điểm thờ phụng các vị Vua Hùng, nằm trên dãy núi Nghĩa Lĩnh thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Quần thể di tích Đền Hùng có diện tích vô cùng rộng lớn, các địa điểm đền chùa được đặt rải rác từ chân núi cho đến tận đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cao 175m. Vì vậy, để có thể thăm quan hết tất cả các di tích lịch sử ở đây, du khách sẽ phải leo bộ  từng bậc thang từ dưới lên trên theo trình tự. Đây cũng là một trong những trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích khi đến Đền Hùng vì đỉnh núi Nghĩa Lĩnh không quá cao, khi leo du khách vừa có thể thăm quan các di tích văn hóa lịch sử độc đáo, vừa có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của đất trời, thiên nhiên miền đất Tổ. 

Giới thiệu về Đền Hùng Phú Thọ – Nguồn gốc lịch sử 

Theo một số nghiên cứu của các nhà lịch sử học, vị trí của Đền Hùng hiện nay trước kia là trung tâm của Phong Châu – kinh đô nước Văn Lang. Ngay từ thời điểm đó, các vị Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên ở ngay tại dãy núi Nghĩa Lĩnh này. Tuy nhiên, đa số nền móng và kiến trúc của Đền được bắt đầu xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, sau này đến thời Hậu Lê mới được xây dựng hoàn chỉnh như hiện nay. 

Đền Hùng là nơi linh thiêng, chứa đựng hàng ngàn hàng vạn câu chuyện truyền thuyết của dân tộc Việt Nam như sự tích trăm trứng, con rồng cháu tiên, công chúa Tiên Dung – Ngọc Hoa, Sơn Tinh – Thủy Tinh…in đậm vào trong tâm trí của nhiều thế hệ sau này. Không chỉ có vậy, Đền Hùng còn như một chứng nhân lịch sử chứng kiến toàn bộ sự đổi thay của đất nước theo từng thời kỳ, lưu giữ những ký ức về quá trình dựng nước và giữ nước đầy vẻ vang của dân tộc cho đến ngàn đời sau. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Năm 1962, Đền Hùng chính thức được xếp vào danh sách khu di tích đặc biệt của quốc gia. Sau nhiều năm tu sửa và quy hoạch, đến năm 2001, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quy định cụ thể về quy mô và nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm để toàn dân tưởng nhớ đến công lao to lớn của các vị Vua Hùng. Cũng từ đó, lễ hội Đền Hùng cũng được ra đời, ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm chính thức thành ngày quốc lễ giỗ Tổ quan trọng nhất ở Việt Nam. 

Tháng 12/2012, sau khi nhận được văn bản đề xuất, UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng/Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản phi vật thể của thế giới. Không chỉ gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt, văn hóa tín ngưỡng này còn giúp khơi dậy lòng yêu nước, đoàn kết và tự hào dân tộc của đồng bào trên khắp cả nước, trở thành nguồn động lực để đất nước phát triển ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn. 

Bản đồ Đền Hùng Phú Thọ – Sơ đồ thăm quan dành cho du khách

(nguồn ảnh: sưu tầm)

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Nên ghé thăm Đền Hùng Phú Thọ vào thời gian nào đẹp nhất?

Thời điểm thích hợp nhất để ghé thăm Đền Hùng mà chúng tôi muốn gợi ý cho bạn chính là từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm. Trong khoảng thời gian này, thời tiết khí hậu ở Phú Thọ sẽ tương đối mát mẻ và ít mưa, trên núi không khí vô cùng trong lành tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan. Ngoài ra, tháng 2 cũng thường trùng với mùa Tết Nguyên đán nên việc đi lễ đền chùa đầu năm cũng giúp cho du khách có được những trải nghiệm mới mẻ, khởi đầu cho một năm mới tràn đầy bình an và hạnh phúc. 

(nguồn ảnh: fanpage facebook VTV5)

Tuy nhiên, thời điểm Đền Hùng đông du khách nhất chắc chắn phải là mùa lễ hội. Mỗi năm, vào dịp tháng 3 âm lịch, Đền sẽ tổ chức chuỗi lễ hội kéo dài từ 7 – 10 ngày với ngày chính hội là 10/3 để du khách thập phương ghé thăm và tưởng nhớ đến công lao của các Vua Hùng. Vì vậy, nếu bạn muốn trải nghiệm không khí sôi động và náo nhiệt thì hãy sắp xếp lịch trình để ghé thăm đền Hùng vào dịp lễ hội nhé. Theo một số thống kê, mỗi dịp lễ Đền Hùng sẽ đón khoảng từ 2-3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước từ khắp mọi nơi ghé thăm. 

(nguồn ảnh: fanpage facebook VTV5)

Còn nếu bạn là người thích sự yên bình và thanh tịnh thì có thể đến Đền Hùng vào những ngày sau lễ hội, cuối hè hoặc đầu thu để có thể đi thăm quan khu di tích một cách thoải mái và bớt đông đúc hơn. 

Hướng dẫn di chuyển chi tiết đến Đền Hùng Phú Thọ

Di chuyển đến Đền Hùng bằng phương tiện cá nhân

Xuất phát từ trung tâm thành phố Hà Nội, du khách có thể đi theo tuyến đường: Cầu Nhật Tân – Võ Nguyên Giáp – cao tốc Nội Bài Lào Cai – cầu Sông Lô – trung tâm Việt Trì – Đền Hùng. 

Xe khách đi Đền Hùng Phú Thọ

Từ bến xe Mỹ Đình, các bạn có thể bắt xe chuyến Hà Nội – Phú Thọ và xuống xe ở đền Hùng. Với khoảng cách 90km, các bạn sẽ mất khoảng 2 giờ để di chuyển đến địa điểm này. Ngoài ra, để thuận tiện hơn trong quá trình đi lại, du khách cũng có thể lựa chọn các nhà xe limousine để được đưa đón tận nơi mà không cần trung chuyển nhiều lần. 

Du lịch Đền Hùng Phú Thọ bằng Tàu hỏa 

Mỗi ngày sẽ có những chuyến tàu YB3 và SP3 tuyến Hà Nội – Lào Cai xuất phát từ ga Hà Nội, bạn có thể lên tàu và xuống tại ga Việt Trì, sau đó di chuyển đến Đền Hùng bằng xe ôm hoặc taxi. Lưu ý là hãy đặt vé tàu trên các ứng dụng trực tuyến để nhận được nhiều ưu đãi, nhất là đối với các bạn học sinh, sinh viên. 

Cùng tìm hiểu về Lễ hội Đền Hùng Phú Thọ có gì đặc sắc? 

Lễ hội Đền Hùng Phú Thọ được tổ chức ở đâu?

Lễ hội Đền Hùng là một trong những ngày quốc lễ quan trọng và quy mô bậc nhất nước ta, được tổ chức hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ. Tại một số các địa phương khác như ở miền Trung, miền Nam, lễ hội này cũng được tổ chức ở một số ngôi đền thờ các vị Vua Hùng khác với mục đích để nhân dân hướng về nguồn cội, bày tỏ lòng biết ơn đến những vị Vua Hùng có công dựng nước và giữ nước. 

(nguồn ảnh: fanpage facebook VTV5)

Lễ hội Đền Hùng Phú Thọ diễn ra trong bao nhiêu ngày?

Lễ hội Đền Hùng thường được diễn ra trong vòng từ 7 – 10 ngày với rất nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội đặc sắc. Hiện nay, trong lễ hội Đền Hùng hàng năm vẫn còn lưu giữ được những nghi thức đặc biệt như lễ rước kiệu vua hay lễ dâng hương, hai nghi lễ này sẽ được cử hành cùng nhau trong ngày chính hội. 

(nguồn ảnh: fanpage facebook VTV5)

Vào những ngày đầu của chuỗi lễ hội, đại hiện từ các huyện, các thành phố ở xung quanh khu vực đền Hùng sẽ đến và cử hành như lễ dâng hương, thường sẽ từ mùng 1 đến mùng 5. Vào ngày mùng 6 sẽ diễn ra lễ giỗ Tổ Lạc Long Quân và Mẫu Âu Cơ, kèm theo đó là hoạt động dâng hương thành kính. Mùng 7 sẽ diễn ra lễ rước kiệu vua Hùng và cuối cùng là ngày mùng 10 sẽ là ngày chính hội. 

(nguồn ảnh: fanpage facebook VTV5)

Trong ngày chính hội, du khách thập phương đổ về sẽ được chứng kiến hàng loạt hoạt động và lễ nghi đặc biệt và quy mô vô cùng hoành tráng. Đám rước kiệu sẽ khiêng kiệu xuất phát từ chân núi Nghĩa Lĩnh sau đó di chuyển dần qua các đền cho đến khi tới Đền Thượng để làm lễ dâng hương. Đoàn rước đi đến đâu, cờ quạt, kèn trống đi đến đó khiến cho người ta đắm mình vào không gian lễ hội đầy âm thanh và màu sắc có một không hai trong năm. Mỗi dịp lễ hội không chỉ quy tụ hàng triệu lượt khách thăm quan mà còn có sự góp mặt của các vị lãnh đạo nhà nước, thành phố và địa phương đến tham quan, hành lễ và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc với các bậc cha ông. 

Hành trình khám phá Đền Hùng Phú Thọ có gì vui, có gì đặc sắc?

Check in Cổng Đền

Cổng Đền là một trong những địa điểm nổi bật trong khu di tích, được coi như biểu tượng của Đền Hùng mà ai đi qua một lần cũng nhớ. Cổng được xây vào năm 1917 với kiến trúc mái vòm độc đáo, được sơn màu rực rỡ và trang trí chạm khắc tỉ mỉ với các hình tượng linh vật như rồng, nghê, hổ…Khi bước qua Cổng Đền, du khách sẽ được đi vào một không gian linh thiêng và đậm chất lịch sử, mở đầu chuyến hành trình khám phá vẻ đẹp ngàn đời của vùng đất Phong Châu oai hùng – nơi khởi đầu của Việt Nam tươi đẹp ngày nay. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Đền Hạ

Cụm di tích Đền Hạ – Đền Trung – Đền Thượng là ba ngôi đền quan trọng và nằm ở vị trí trung tâm của khu di tích. Trong đó, đền Hạ chính là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành một trăm người con trong truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên. Đền Hạ được thiết kế theo kiến trúc hình chữ “nhị” độc đáo với hai tòa nhà tiền bái và hậu cung riêng biệt, mỗi tòa được chia thành ba gian và có cửa lớn tạo không gian mở và đón ánh sáng. Xung quanh đền Hạ được trồng rất nhiều cây xanh tỏa bóng mát, trước cửa đền đặt một lư hương lớn tạo nên không gian vô cùng yên bình, thanh tịnh và gần gũi với thiên nhiên. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Đền Trung

Đền Trung cách đền Hạ 168 bậc đá, là một trong những điểm đến quan trọng và được gọi là Hùng Vương tổ miếu. Theo dân gian tương truyền, đây chính là nơi các Vua Hùng và Lạc hầu, Lạc tướng đã từng ngồi lại để thưởng ngoạn và họp bàn việc nước. Vậy nên ngoài việc thờ cúng các vị Vua Hùng, ở đền Trung còn thờ 8 vị Đại vương có công lớn với đất nước. Một chi tiết thú vị nữa mà chúng tôi tìm hiểu được thì đền Trung cũng chính là nơi diễn ra cuộc thi trong sự tích Bánh chưng bánh dày và sau đó Vua Hùng thứ 6 đã truyền ngôi cho Lang Liêu ngay tại đây. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Đền Thượng

Đi tiếp khoảng 100 bậc đá từ đền Trung là du khách đã có thể đến với Đền Thượng. Ngôi đền được đặt ở trên đỉnh núi, thiết kế theo kiến trúc chữ Vương độc đáo với 4 cấp: nhà chuông trống, nhà đại bái, nhà tiền tế và hậu cung. Theo dân gian tương truyền, đền Thượng chính là nơi các Vua Hùng thường tổ chức các nghi lễ, tế lễ để cầu thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp. Ngoài cổng Đền Thượng còn được khắc một dòng đại tự rất lớn “Việt Nam triệu tổ” có ý nghĩa là Tổ tiên của người Việt ở Phương Nam. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Bên cạnh đó, đền Thượng còn là nơi gắn liền với sự tích Sơn Tinh Thủy Tinh nổi tiếng cũng như câu chuyện Vua Hùng truyền ngôi cho An Dương Vương Thục Phán. Khi được truyền ngôi, An Dương Vương đã dựng cột đá tại đây và thể rằng sẽ dốc sức trông nom và giữ gìn cơ nghiệp của các Vua Hùng. 

Đền Giếng

Đền Giếng nằm ở bên phải của đền Thượng, được xây dựng vào thế kỷ thứ 18 và còn có tên gọi là Ngọc Tỉnh đền. Đây là một trong những công trình đền thờ  đẹp nhất khu di tích khi sở hữu quang cảnh thiên nhiên vô cùng xanh tươi mát mẻ và giếng nước ngọc trong vắt bốn mùa. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên là siêu lòng du khách, nơi đây còn chứa đựng rất nhiều câu chuyện kỳ bí về hai vị công chúa của Vua Hùng thứ 18 Ngọc Hoa và Tiên Dung. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Nhà bia

Nhà bia là một di tích nhỏ nằm ở dưới chân đền Hạ, đây chính là nơi đặt tấm bia đá có lời dặn của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” nhằm gợi nhắc về công lao của các vị Vua Hùng đồng thời nhắc nhở con cháu sau này phải luôn biết ơn và cố gắng bảo vệ và giữ gìn đất nước. Nhà bia được thiết kế theo hình lục giác 6 mái, bên trong ngoài tấm bia quốc ngữ thì còn có một số bia đá chạm khắc độc đáo khác dành cho du khách đến thăm quan chiêm ngưỡng. 

Chùa Thiên Quang 

Chùa Thiên Quang hay còn được gọi là Thiên Quang thiền tự là một ngôi chùa nằm ở gần khu vực đền Hạ, được xây dựng từ lâu đời và là một chốn thanh tịnh bình yên trên sườn núi. Du khách đến Đền Hùng có thể ghé thăm vãn cảnh chùa để cầu bình an và may mắn cho bản thân, gia đình hay những người thân yêu. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Lăng Hùng Vương

Lăng Hùng Vương được tương truyền là ngôi mộ của Vua Hùng thứ 6, sau khi vua mất đi muốn chọn một địa điểm ngay ở trên núi Nghĩa Lĩnh để yên nghỉ. Lăng mộ này nằm ở phía Đông (bên phải) của đền Thượng, thuộc tuyến đường Đền Thượng – Lăng Hùng Vương – Đền Giếng, chính điện quay về hướng Đông Nam. Hùng Vương Lang có kiến trúc truyền thống độc đáo, được vua Tự Đức xây dựng vào năm 1870 và được vua Khải Định tu sửa vài năm 1922. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Đền Mẫu Âu Cơ

Đền Mẫu Âu Cơ tọa lạc ở vị trí cao nhất của núi Ốc Sơn, thuộc quần thể di tích Đền Hùng Phú Thọ. Đây là một ngôi đền mới, được khởi công xây dựng vào năm 2001 và hoàn thành vào năm 2004. Khuôn viên của đền Mẫu Âu Cơ rất rộng lớn bao gồm cả khu vực cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc thiết kế độc đáo, tạo nên một tổng thể di tích tâm linh vừa đẹp vừa đậm chất văn hóa lịch sử nhằm gợi nhớ về công ơn to lớn của mẹ Âu Cơ với toàn thể người dân Việt Nam. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Đền thờ Lạc Long Quân

Đền thờ Lạc Long Quân được xây dựng vào năm 2007 trên khu vực đồi Sim. Di tích này có diện tích rộng lớn, riêng ngôi điện chính đã rộng 210m2 và có hình dạng giống như một con rùa, hai bên của đền được trang trí bằng các hình tượng linh vật Thanh Long và Bạch Hổ. Bên cạnh đó, đền thờ Lạc Long Quân còn có một số công trình biểu tượng khác như cổng, trụ đền, nhà bia…

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Bảo Tàng Hùng Vương

Bảo tàng Hùng Vương là một trong những địa điểm tham quan hấp dẫn nằm ngay bên cạnh Cổng Đền, được xây dựng với mục đích trưng bày và bảo tồn các hiện vật lịch sử vật thể và phi vật thể của đất nước Việt Nam, nhất là ở thời kỳ nhà nước Văn Lang của Vua Hùng. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các bảo vật quý hiếm mà còn có cơ hội tìm hiểu, khám phá về đời sống và văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam từ xưa đến nay. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Bảng giá vé thăm quan Đền Hùng Phú Thọ

  • Giá vé thăm quan Đền Hùng Phú Thọ – Vé tham quan đền: 10.000VND/người
  • Giá vé thăm quan Đền Hùng Phú Thọ – Vé tham quan Bảo tàng Hùng Vương: 15.000VND/người
  • Giá vé thăm quan Đền Hùng Phú Thọ – Vé đi xe điện lên núi: 50.000VNĐ/người

Những điều cần lưu ý khi hành hương Đền Hùng Phú Thọ

Kinh nghiệm đi Đền Hùng Phú Thọ – Về trang phục

  • Vì Đền Hùng là chốn linh thiêng nên khi đến đây du khách nên mặc các trang phục kín đáo, lịch sự, lưu ý không mặc các trang phục quần áo, váy ngắn trên đầu gối và có hở nhiều. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

  • Đến đền Hùng các bạn sẽ phải leo núi nên hãy ưu tiên các trang phục rộng rãi, thoải mái và có độ co giãn tốt. Nếu trời nắng thì hãy mang theo cả những trang phục chống nắng để bảo vệ làn da nhé. 

Kinh nghiệm đi Đền Hùng Phú Thọ – Về trình tự lễ đền

  • Khu di tích đền Hùng được phân chia thành nhiều địa điểm khác nhau nên du khách hãy quan sát sơ đồ toàn khu để lựa chọn tuyến đường thăm quan hợp lý nhất. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

  • Tuyến đường gợi ý: Cổng Đền – Bảo tàng Hùng Vương – Đền Hạ – chùa Thiên Quang – Đền Trung – Đền Thượng – Lăng Hùng Vương – đền Giếng – đền Quốc Mẫu Âu Cơ – Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. 

Kinh nghiệm đi Đền Hùng Phú Thọ – Về lựa chọn ngày đi lễ 

  • Dù bạn đến Đền Hùng vào dịp lễ hay ngày thường thì hãy luôn nhớ xem trước dự báo thời tiết và lựa chọn những ngày đẹp trời có nắng nhẹ để ghé thăm di tích này nhé. Lưu ý không nên đi vào những ngày mưa vì đường trên núi sẽ tương đối trơn trượt và trời mưa sẽ khiến cho chuyến đi của bạn khó khăn hơn. 

Gợi ý một số địa điểm du lịch hấp dẫn ở gần Đền Hùng Phú Thọ 

Đền Lăng Sương

Đền Lăng Sương là một trong 3 ngôi đền nổi tiếng nhất tại Phú Thọ, sánh ngang với đền Hùng và đền Mẫu Âu Cơ. Ngôi đền được đặt ở vùng đất bên cạnh dòng Đà giang, thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Đây là ngôi đền đầu tiên và duy nhất tính đến hiện tại có thờ cả gia đình của Đức Tản Viên Sơn Thánh, gắn liền với nhiều câu chuyện truyền thuyết trong dân gian. Mỗi năm đền Lăng Sương sẽ tổ chức lễ hội vào hai ngày 15/1 và 25/10 âm lịch để nhân dân tưởng nhớ công ơn xây dựng và giữ gìn đất nước của Đức Thánh Tản Viên. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Lynn Times Thanh Thủy

Lynn Times Thanh Thủy là khu tổ hợp nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp nằm ở xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Tận dụng lợi thế nằm ngay trên mạch nguồn khoáng nóng Radon vùng đất Tổ, Lynn Times Thanh Thủy đã xây dựng hệ thống nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khỏe – vui chơi giải trí khoáng nóng tiêu chuẩn 5 sao để phục vụ du khách đến Thanh Thủy, bao gồm:

  • Công viên khoáng nóng Ohayo Onsen & Spa rộng hơn 2,2ha với 50+ tiện ích chăm sóc sức khỏe

(Công viên khoáng nóng Ohayo Onsen & Spa)

  • Khách sạn khoáng nóng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy đẳng cấp thượng lưu
  • Khu căn hộ nghỉ dưỡng shoptel liền kề thương mại được trang bị bể khoáng nóng tự nhiên trên tầng thượng

(Phân khu shotel liền kề thương mại)

  • Hệ thống nhà hàng cao cấp: Kyoto Deli, The Rice…
  • Chuỗi các địa điểm vui chơi giải trí hấp dẫn: phố đi bộ Nhật Bản, Thanh Thủy Camping, Aqua Park, Event Plaza…
  • Khám phá văn hóa Nhật Bản: chùa Vàng Daruma-Ji, Bảo tàng văn hóa, vườn Nhật Matsuri, workshop cắm hoa truyền thống, thưởng thức trà đạo…

(Nguồn khoáng nóng tự nhiên Thanh Thủy)

Đặc biệt, hiện nay Lynn Times Thanh Thủy đang miễn phí vé vào cửa tham quan check in cho du khách đến khu nghỉ dưỡng, các dịch vụ tắm khoáng, phòng nghỉ, ẩm thực cũng thường xuyên có chương trình ưu đãi nên các bạn hãy nhanh tay nắm lấy cơ hội này nhé. 

Đồi chè Đoan Hùng

Đồi chè Đoan Hùng cách Đền Hùng khoảng 35-40km tương đương với gần 1 giờ đồng hồ di chuyển. Khi đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt tác của những đồi chè xanh mướt trải dài đến tận cuối chân trời. Hòa mình và không gian thiên nhiên núi đồi, bạn sẽ cảm nhận được sự trong lành và bình yên hiếm có ở nơi thành phố, khiến cho tâm hồn được thảnh thơi và thư giãn hơn rất nhiều. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Đầm Ao Châu

Đầm Ao Châu từ lâu đã nổi tiếng là có cảnh quan thiên nhiên được ví như “Vịnh Hạ Long” giữa lòng đất Tổ Phú Thọ. Nơi đây có hệ sinh thái động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, du khách đến đây có thể ngồi trên những chiếc thuyền thong dong vãn cảnh trên hồ và thưởng thức bầu không khí trong lành mát mẻ hiếm có. Ngoài ra, bạn cũng có thể thỏa thích tham gia vào một số hoạt động vui chơi thú vị khác như câu cá hay hái và thưởng thức trái cây tại vườn. 

(nguồn ảnh: sưu tầm)

Đền Hùng Phú Thọ là một địa điểm vô cùng linh thiêng và có vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của con người Việt Nam. Đền Hùng không chỉ chứa đựng những giá trị lịch sử ngàn đời mà còn là nơi để đồng bào Việt Nam, dân tộc Việt Nam hướng về nguồn cội, biết ơn công lao to lớn của các bậc cha ông để có được ngày hôm nay. Đồng thời cũng góp phần gắn kết tình đoàn kết, yêu thương lẫn nhau của 54 dân tộc anh em trên khắp cả nước, thúc đẩy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam vươn ra thế giới trên mọi lĩnh vực, nhất là văn hóa lịch sử. Là một người con nước Nam, nhất định không được quên câu ca dao:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”

Và nếu có cơ hội thì hãy cùng những người thân yêu ghé thăm khu di tích Đền Hùng Phú Thọ vào dịp lễ hàng năm nhé!

Gonow – Combo, Voucher đặt phòng Wyndham Thanh Thủy

  • Địa chỉ: Tổ Dân Phố 3, Phường Quang Trung, Quận Hà Đông, Hà Nội
  • SDT: 0819319666
  • Email: info@gonow.vn
  • Website: https://gonow.com.vn/

THAM KHẢO THÊM

Bài viết có liên quan